Blog của tui

Review phim chiếu rạp: Bố Già (Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng)

Tôi đã xem khá nhiều bộ phim chiếu rạp của Việt Nam, nhưng đến hôm nay mới có cơ hội viết blog để Review bộ phim hay nhất tôi xem.

Bố Già – cái tên của bộ phim chiếu rạp chẳng còn ai xa lạ vì hiện đang hot trong những ngày qua. Trước khi quyết định đi xem một bộ phim nào đó, tôi cũng đều đọc qua các bình luận của những người đã xem trước đó, qua Facebook, Youtube…Thậm chí cả bài hát đại diện cho phim: Cha Già Rồi Đúng Không cũng phải khiến tôi dùng chiếc tai nghe bluetooth tốt nhất của mình để nghe.

Xem qua những lời bình luận, khen có, chê có và cả những tâm sự đầy nước mắt của khá nhiều bạn trẻ kể lại. Không cần biết phim có hay hoặc là dở, nhưng trong 1000 bình luận, dù chỉ có vài nhận xét nói rằng họ đã đổ nước mắt quá nhiều cho bộ phim đó thì tôi sẽ quyết định đi xem.

Vì đơn giản, nước mắt của con người đâu ai dễ lấy đi được, đúng chứ?

===

Hôm nay, 21/3/2021, tôi đã đi xem bộ phim này. Tôi phải khó khăn thế nào mới có thể mua được vé, vì độ NÓNG của phim khiến các Rạp luôn trong tình trạng “hết vé”. Lại một tuần nữa, tôi đã toại nguyện. *smile*

Phim mở ra với một khung cảnh quen thuộc của góc phố Sài Gòn thường ngày, có pha lẫn những dòng nhạc được thu âm những năm 80, 90. Và đối với tôi, một người con của Sài Gòn, những dòng nhạc ấy là niềm tự hào và hạnh phúc. Bởi đơn giản một điều, Sài Gòn không chỉ đẹp bởi con người và đường phố, mà bên cạnh đó, Saigon còn đẹp qua những bài hát xưa nữa!

Bối cảnh nhỏ của đại gia đình

Bộ phim nói về một đại gia đình gồm 4 anh chị em với 4 cái tên “dễ thương”: GIÀU – SANG – PHÚ – QUÝ

Chị HAI GIÀU

Qủa đúng với cái tên của bà. Bà có một đứa con trai, hai mẹ con luôn có cuộc sống sung túc nhưng tính tình lại keo kiệt và hơi bủn xỉn. Có thể họ giàu do đi lên từ những khó khăn nên giữa anh em trong gia đình, nói là cũng san sẻ nhưng lại có phần tính toán đôi chút. Tuy là thế, nhưng cả 2 người đều mang tính tốt. Cậu con trai trong mắt của dòng họ là người thành đạt. Anh ta là một trưởng phòng Kinh doanh của công ty bất động sản. Có lẽ vì thế, khiến cho cô HAI GIÀU luôn tự hào về đứa con của bà.

BA SANG

Đây có lẽ được xem là nhân vật chính của bộ phim. Chú Ba Sang là người Cha tốt, luôn yêu con cái của ông. Mặc dù BA SANG có hơi thô lỗ nhưng suy cho cùng chú được lòng rất nhiều người trong một khu xóm với đa dạng kiểu người. Sống trong một khu dân cư mà những hình ảnh vợ chồng đánh nhau, con trẻ quậy phá cùng những hình ảnh xấu khác thì đâu thể trách chú BA SANG hiền lành được. Nói thì nói vui thế thôi, chứ kiểu người như chú BA SANG đại diện cho những người già ở Sài Gòn tuy có cáu gắt, than vãn chuyện đời nhưng suy cho cùng họ sống rất đậm tình người.

Nói về chú Ba sang có lẽ tôi phải nói thêm ở phần dưới, vì đây là nhân vật tôi ấn tượng nhất trong phim.

TƯ PHÚ

Hai vợ chồng Tư Phú không để lại ấn tượng nhiều trong phim vì tính cách nhân vật là hiền lành. Chú Tư thì rất sợ vợ, cãi nhau hay nói chuyện đều xưng tui – bà với vợ. Còn chị vợ thì luôn hạch sách chồng, cãi chồng theo kiểu “nhất mẫu chi gia”. Tuy là thế, nhưng họ hạnh phúc. Chửi thì chửi nhưng mà thương thì thương nhiều đấy….

NĂM QUÝ

Cậu út của dòng tộc nhưng không lo tu chí làm ăn. Chú út suốt ngày cờ bạc, nhậu nhẹt, và vay nợ xã hội đen bán sống bán chết, đến nổi nhiều lần phải cầu cứu anh Ba Sang trả nợ giúp mình.

Gia đình của họ là như thế đấy bạn. Ồn ào, cãi vã nhưng lại dạt dào tình cảm của những con người trong tầng lớp bình dân. Sài Gòn đẹp nhất là cái tự nhiên của những con người sống trên đây. Dù cuộc sống có nghiệt ngã thế nào, ta cũng vẫn phải sống, phải cười đế bước qua như kiểu “để mai rồi tính”.

Nút thắt nhẹ nhàng và giàu cảm xúc

Phim mở đầu là thế, với những lát cắt quá bình dị của cuộc sống, tôi xem và cứ nghĩ nó giống như dạng phim dài tập. Nhưng không, phim đi từ những điều bình dị, đơn giản đến những cung bậc cao trào nhất. Để rồi khi những nút thắt xảy ra, mạch cảm xúc trong phim được định hình rõ ràng thì mọi cảm xúc chỉ chờ là… bùng nổ.

Tuấn Trần vai người con trai, với tuổi trẻ đầy máu lửa và những đam mê không ngừng. Cậu luôn có cách sống riêng của mình: “Mỗi người một cách sống, mạnh ai nấy sống đi”. Nhưng quan niệm sống của cậu lại trái ngược hoàn toàn với người bố. Ba anh là người khó tính, thích lo chuyện bao đồng và quá quan tâm đến người chung quanh dù cho đó không phải là việc ông nên màn đến.

Sự đối nghịch giữa cha và con trong cách sống luôn cao trào và đôi lúc như dịu lại để cho khán giả có chút sự sâu lắng và…ngẫm nghĩ. Đây cũng cái hay của đạo diễn khi muốn khán giả trải dòng cảm xúc cho bộ phim khi những phút đầu đã có quá nhiều sự hài hước của dàn diễn viên gạo cội rồi.

Chú Ba Sang lo chuyện bao đồng thật, nhưng cái “bao đồng” của chú là nghiêng về tình làng nghĩa xóm, tình anh chị em ruột thịt trong gia đình. Hình ảnh chú tha thiết xin lỗi chủ nợ của em trai mình và hứa sẽ trả nợ nay như là một mối thắt đầu tiên. Mối thắt của cuộc đời chú vậy.

Rồi khi biết mình bị suy thận gia đoạn cuối, chú cũng vì tình cảm gia đình đến nỗi không muốn nhận hiến thận của con trai mình (vì ông biết con trai mình có tiền sử bệnh tim nếu hiến cho ông thì con trai ông sẽ ra sao?!? Sẽ ra sao??? Đó là câu nói của một người cha nghĩ đến tương lai và sức khỏe của con mình. Cha thà chết còn hơn thấy con mất sức khỏe vì mình. Đúng là “lo bao đồng” thật nhưng bao đồng đầy tình nghĩa tử.

Những đoạn cuối của phim có lúc cao trào, lại có lúc sâu lặng khi pha chút tôn giáo vào. Diễn cảnh Ba Sang nói chuyện với sư thầy trong Chùa (diễn viên Việt Anh thủ vai) như bàn luận về ý niệm cuộc sống của mỗi người. Tôi ấn tượng với lời thoại:

“Cha mẹ nuôi con dạy con phải biết quan tâm người khác, nhưng đến khi con mình lớn khôn muốn quan tâm mình thì lại chạy trốn. Cha mẹ luôn dạy phải lễ phép, có hiếu với cha mẹ nhưng đến khi con mình tỏ sự hiếu thảo thì lại ích kỷ không cho nó thể hiện sự hiếu thảo đó. Sống vậy mệt lắm”.

Có lẽ cũng nhờ những câu nói của sư thầy mà Ba Sang đã tỉnh ngộ và chịu mở lòng đón nhận sự hiến thận của con trai ông.

“Mấy nay con tui nó tốt với tui quá, tự nhiên thèm được sống, cô bác sĩ nhớ cứu tôi để tôi sống với con cháu tôi nha”.

Nghe tới đây, nếu bạn là khán giả khó tính nhất cũng phải có chút ngậm ngùi. Tôi cũng nghe có tiếng thút thít bé bé của những người ngồi trước. Bất giác tôi cũng thấy mình cũng nên nghĩ ngợi…

Cuối bộ phim là Ba Sang mất, có thể cuộc phẫu thuật không thành công. Nhưng các biết biết đấy, chú Ba đâu có ra đi vô ích. Tuy chú ra đi, nhưng chú đã giúp con trai mình trở thành một người cha tốt với bé Tọt. Đến đây, tôi nghĩ, đàn ông họ chỉ thực sự trưởng thành khi họ trở thành một người cha, họ trải qua nhiều giông bão thì luôn cố gắng mạnh mẽ để dạy con cái họ những điều tốt ở đời.

Bộ phim còn dạy chúng ta cần phải mở lòng nhiều hơn với những người xung quanh. Sống không phải chỉ vì mình mà còn phải vì người khác nữa.

Bố Già – một bộ phim hay, không cao trào lắm, không nhẹ nhàng quá nhưng cảm xúc lại liên tiếp khiến con tim mỗi người như ngừng thở vậy.

Về biên tập viên

Tuấn Ca

Công việc của tôi không liên quan tới việc kinh doanh nhưng tôi có niềm đam mê bất tận với viết lách và thích đọc những tựa sách hay. Tôi tạo ra Blog này trước tiên để lưu trữ những vấn đề hữu ích dành cho tôi, sau đó là để chia sẻ, học hỏi với bạn bè những người mà tôi biết.

5 Comments

  • Bộ phim rất hay, đánh sâu vào tâm lý nhân vật Ba Sang. Một cách biểu đạt về tình cảm đối xử giữa người với người trong gia đình.

  • Chưa được xem phim, mình chỉ được xem 1 đoạn cut và trailer nhưng đọc bài review này thì cảm động thật. Cảm ơn tác giả!

    • Phim mình chấm 8 sao/10 nhưng nếu cảm nhận qua cảm xúc thường ngày thì nó là một phim chạm đáy lòng người xem ấy. Một phần vì hiệu ứng sau Tết, dịch Covid tạm lắng nên mn tranh thủ đi xem nhiều nữa đấy. Chúc Uyên luôn vui trong cuộc sống nhé!

Để lại bình luận của bạn