Góc nhìn

Hãy học cách nghiêm khắc với bản thân

Việc hiểu rõ bản thân mình là ai, muốn gì và cần phải làm những gì trong đời quả thực rất quan trọng, nhưng việc tập trung hành động để đạt được những gì mình đã đặt ra còn quan trọng hơn gấp bội. Chỉ cần bạn sơ ý để mặc cho bản thân thiếu kỷ luật, sa lầy vào những cám dỗ khác thì việc hiểu rõ bản thân, nhận ra lý tưởng, mục tiêu trong đời cũng vô tác dụng.

Nền tảng của những thành công vang dội trong bất kể lĩnh vực gì, từ kinh doanh, thể thao cho đến âm nhạc hay đơn giản là những mối quan hệ trong cuộc sống của những người gọi chung là người ngoại hạng đều bắt đầu từ việc rèn luyện khả năng tự chủ bản thân. Từ Kobe Bryant, Roger Federer hay Gandhi, Darwin thậm chí ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga là những minh chứng sống tốt nhất cho điều đó.

Nếu không nghiêm khắc với bản thân, chúng ta sẽ không thể kiên trì đến cùng, bởi con đường dẫn đến sự ngoại hạng là rất dài, cái mà Anders Ericsson đã mất đến 10 năm mới đạt được.

Người trẻ nên làm gì để tự tin vào đời?

– Nếu không nghiêm khắc với bản thân, chúng ta sẽ không biết cách hy sinh để có được một kết quả tốt. Cả ngày chơi game hoặc trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình đơn giản chỉ là những sự lựa chọn. Bạn chỉ có thể chọn một mà thôi.

– Nếu không nghiêm khắc với bản thân, bạn sẽ không còn lý do để hăng say hướng đến mục tiêu dài hạn bởi động lưc, cảm hứng ban đầu trước sau cũng sẽ biến mất.

– Nếu không nghiêm khắc với bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng bị tác động của những người xung quanh, không thể tập trung và tận tụy với lý tưởng của mình.

– Nếu không nghiêm khắc với bản thân, chúng ta sẽ không thể duy trì những thói quen hành động mỗi ngày, từ đó bạn cũng không thể đạt được mức hiệu năng cao nhất của mình.

Có một sự thật là, thế giới mà chúng ta đang sống lại không thật sự đề cao giá trị của phát triển năng lực tự chủ. Chúng ta tôn thờ những ngôi sao đi lên từ scandal, truyền tay nhau và cười lăn cười bò trước những thước phim quay lại những cú ngã hay thất bại của người khác. Bạn thấy đấy, xã hội này khiến chúng ta theo đuổi những niềm vui thú nhất thời, những tràng cười chóng nổ hay những thứ ngay lập tức có thể cho chúng ta thứ cảm giác khoan khoái.

Nhưng vẫn có đó những người thợ thủ công miệt mài sáng tác nghệ thuật trong xưởng của mình, tin rằng một ngày sẽ sáng tạo được những tác phẩm để đời. Vẫn có những nhà khởi nghiệp đánh đổi cả gia tài để theo đuổi, thực hiện cho bằng được giấc mơ, dù người khác có xem là điên là khùng. Vẫn có những người cha người mẹ dù công việc hay những nghĩa vụ xã hội có nhiều đến mấy, họ vẫn hàng ngày chơi đùa trò chuyện với con cái. Vẫn có đấy những nhà lãnh đạo bị xem là kẻ lập dị khi ngày nào cũng thức dậy lúc 5 giờ chỉ để thực hiện những nghi thức buổi sáng, sau đó thì lao vào làm việc như vũ bão.

Những người thành công chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới. Để đạt được những thành quả mà chỉ 5% dân số này có, bạn buộc phải làm những gì mà họ sẵn sàng làm. Vậy họ sẵn sàng làm điều gì? Họ sẵn sàng nghiêm khắc với bản thân họ. Những điều sau đây sẽ giúp bạn đạt được trạng thái tự chủ cao nhất cũng như tinh thần tự giác, kỷ luật một cách khoa học nhất:

#1. Bạn phải biết là năng lực tự chủ cũng giống như một múi cơ vậy: Bạn luyện tập càng nhiều thì nó càng phát triển. Đừng bao giờ nghĩ rằng những người đạt được thành công thì từ khi sinh ra đã may mắn có khả năng đó, còn bạn thì không. Ai ai cũng phải luyện tập, chỉ có nghĩ như thế thì bạn mới cảm thấy thoải mái và xem quá trình làm việc như một con đường tuyệt vời dẫn đến một thành công tất yếu.

#2. Những cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng năng lực tự chủ của chúng ta chỉ được hình thành từ chuỗi những hoạt động giống nhau mỗi ngày: Có nghĩa là việc online Facebook, xem tin tức, hay lượn lờ những trang mua sắm dần dần sẽ sẽ lấy đi của bạn tính tự giác, kỷ luật. Và tất nhiên bạn sẽ không thể phát triển kỹ năng của bản thân, không thể mở rộng kinh doanh, hay không thể có vòng eo con kiến hay cơ bắp cuồn cuộn dù trước đây bạn đã từng.

#3. Khi bạn tập luyện “cơ bắp” ý chí của mình bằng cách ra hàng loạt quyết định, theo đuổi hoạt động quá mức thì “cơ bắp” tự chủ sẽ bị kiệt sức. Nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực này – Roy Baumeister (cũng là tác giả của cuốn Willpower – Năng Lực Tự Chủ) gọi đây là hiện tượng “suy yếu cái tôi”.

Lý thuyết này cũng giải thích tại sao những người nổi tiếng thường phá hủy cả sự nghiệp của mình bằng một hành động gì đó rất đỗi khờ khạo, ngu ngốc. Họ sử dụng quá nhiều năng lượng tự chủ để dành vào việc sáng tác, tập luyện hay biểu diễn đến nỗi không còn khả năng để kháng cự lại những cám dỗ.

#4. Việc duy trì những nghi thức đều đặn mỗi ngày có tác dụng khôi phục lại năng lực tự chủ, bạn sẽ tránh được tình trạng “suy yếu cái tôi” và làm việc hoặc thể hiện ở mức độ cao nhất có thể của mình. Bạn nên thường xuyên thực hành những bài tập tưởng tượng, tăng cường đối thoại và giải trí một cách thông minh hoặc đánh một giấc nếu cảm thấy mệt mỏi.

#5. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng”, nên làm ơn đừng như họ. Việc khó, việc khổ mới có khả năng mở rộng giới hạn năng lực tự chủ của bạn. Sức mạnh luôn tồn tại ở phía bên kia vùng an toàn.

#6. Khoa học cũng nhấn mạnh rằng khi chúng ta mệt mỏi, căng thẳng hoặc kiệt sức thì lượng glucose trong máu cũng thấp, khiến cho năng lực tự chủ của chúng ta giảm xuống. Bằng cách ăn những thực phẩm khiến tốc độ hấp thụ glucose chậm như rau củ quả và các loại hạt sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng tăng và giảm đường đột ngột. Ngủ đủ giấc cũng giúp lượng đường nằm ở mức độ an toàn. Đừng tham công tiếc việc, bởi những người thiếu ngủ chẳng bao giờ làm việc hiệu quả cả.

Muốn trở thành người ngoại hạng, trước tiên bạn phải là người có năng lực tự chủ. Muốn là người có năng lực tự chủ, không còn cách nào khác bạn phải nghiêm khắc với bản thân!

Về biên tập viên

Tuấn Ca

Công việc của tôi không liên quan tới việc kinh doanh nhưng tôi có niềm đam mê bất tận với viết lách và thích đọc những tựa sách hay. Tôi tạo ra Blog này trước tiên để lưu trữ những vấn đề hữu ích dành cho tôi, sau đó là để chia sẻ, học hỏi với bạn bè những người mà tôi biết.

Để lại bình luận của bạn