Review sách Sách Văn học - Tiểu Thuyết

Review sách: Hai Số Phận (Kane and Abel)

HAI SỐ PHẬN (Kane and Abel) của Tác giả Jeffrey Archer: Câu chuyện kể về William Lowell KaneAbel Rosnovski, một người là con trai của một triệu phú của thành phố Boston, một người là người Ba Lan nhập cư không một xu dính túi. Hai người đàn ông đó sinh ra cùng một ngày nhưng ở hai hoàn cảnh, hai thái cực trái ngược nhau của thế giới.
Định mệnh đã khiến họ gặp nhau trên con đường đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng cho mình một tương lai. Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời này trải dài qua sáu mươi năm cuộc đời đan xen của hai nhân vật chính, hai người đàn ông được gắn kết với nhau bởi một mối hận thù không đội trời chung, số phận đã cho họ gặp nhau để cứu sống nhau… và rồi… để huỷ hoại lẫn nhau.
Review sách Hai số phận (Kane and Abel)
Không đơn thuần chỉ là câu chuyện về hai con người, Jeffrey Archer đã khắc hoạ nên những cuộc đời, những số phận đan hoà vào dòng chảy xã hội Mỹ. Với giọng điệu nhẹ nhàng, cách lựa chọn, khai thác bối cảnh, nghệ thuật xây dựng và khắc hoạ tâm lý nhân vật một cách nhuần nhuyễn, tinh tế… nhà văn đã khiến cho tác phẩm có sức lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên.
Xuyên suốt tác phẩm là hai câu chuyện cuộc đời của hai con người khác nhau, từ lúc mới sinh ra cho đến lúc mất đi. Hai nhân vật, ở hai thế giới khác nhau. Một người ở Ba Lan, một người ở Mỹ. Một người bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra, còn bị dị tật; còn một người được bố mẹ yêu thương. Một người sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, một người lại sống trong nhung lụa, từ bé đến giờ chưa từng đụng vào công việc nặng nhọc nào. Lúc đầu đọc cảm thấy rất kỳ lạ, tại sao lại đặt hai người hầu như không có một điểm chung nào trong cùng một tác phẩm?

Hai người tuy không có điểm chung nào, nhưng họ lại giống nhau đến lạ kì. Họ giống nhau ở ý chí làm giàu và khát khao thành công. Cho dù là ở khu ổ chuột hay ở căn phòng hoa lệ, cho dù là học nhờ hay học gia sư, họ cũng đều có mong muốn trở thành người tốt nhất. Ở địa vị nào đi chăng nữa, có tiền hay không có tiền, cũng không cản trở được khát khao của bản thân họ. Ý chí vươn lên của họ quá mạnh mẽ, cho dù là tiền của gia tộc Kane, hay là xuất thân thấp kém của Abel, cũng không cản trở được bước chân họ.

Kane là con trai duy nhất của gia tộc giàu có, anh thừa sức ăn chơi, tiêu xài tiền của dòng họ mà chẳng cần phải làm việc, phải cố gắng, có sẵn bố anh chống lưng cho, ra trường sẽ thừa kế khối tài sản khổng lồ của gia tộc. Cũng may, gia đình anh cũng là một gia đình có truyền thống lâu đời, không nuông chiều Kane quá mức. Thực ra, cũng không biết là do gia đình hay bản thân Kane đã làm nên một người như vậy. Khi anh bắt đầu biết tiêu tiền, hai bà cho anh mỗi tuần 1 đô la, với những đứa trẻ khác, sẽ đổ hết vào đồ chơi và bánh kẹo. Nhưng Kane lại làm giàu từ 1 đô la đó. Tiêu bao nhiêu, từ thiện bao nhiêu, để dành bao nhiêu, được Kane ghi sổ thu chi rất rõ ràng. Mà điều khiến mình ấn tượng với Kane từ những phút đầu tiên, chính là khoản tiền từ thiện ấy, một khoản đầu tư, theo ý mình là, phát triển bền vững nhất. Khoản tiền nhỏ đó, không chỉ chứng tỏ phẩm chất cao đẹp của Kane mà còn chứng tỏ phẩm chất của nhà kinh doanh giỏi.

Điều ấn tượng thứ hai về Kane, là sự nhạy bén của anh ấy trước thị trường, thể hiện rõ nhất ở những chiếc nhãn diêm thời đi học. Sự khôn khéo lợi dụng tấm lòng của các ông chủ hãng diêm, mang về cho Kane một nguồn hàng đa dạng mà vốn ban đầu chỉ là một con tem ba xu. Lại thêm nhận định thị trường sắc bén.

Khi biết thị trường nhãn diêm đã sắp đến đỉnh cao, và sau đó là sự thoái trào, Kane đã lợi dụng điều đó, bán hết nhãn diêm của mình vào thời điểm thuận lợi nhất, thu về món lợi đầu tiên của mình là hơn 57.32 đô la, so với số tiền đầu tư ban đầu anh đã lãi 51.32 đô la. Quả thật là một món lợi lớn đối với một đứa trẻ 9 tuổi, và lại một lần nữa, 5 đô la từ thiện của Kane khiến cho mình cảm thấy anh chàng này không đến nỗi là quá mức chết vì tiền.

Chú bé Kane còn làm mình ấn tượng ở nhiều thứ nữa, chẳng hạn như câu nói gọn lỏn “Con không cần” khi mẹ hỏi chú cần bao nhiêu tiền tiêu vặt ở trường nội trú. “bà ơi, bà cứ mua cho cháu một cái thước lô ga rít, cháu sẽ không làm phiền bà nữa đâu”… Mười hai tuổi, Kane theo dõi tờ Nhật báo phố Wall, trong khi ngay cả bản thân chúng ta đây, đang đọc Thiếu niên tiền phong hoặc cùng lắm là Hoa học trò. Cuối năm học đầu tiên ở trường, mình đoán là mười hai tuổi là cùng, chú đã trở thành cố vấn cho nữa số nhân viên và một số phụ huynh ở trường về việc làm ăn. Và đương nhiên, dẫn đầu lớp là việc quá bình thường, vì chắc chắn Kane sẽ chẳng bao giờ từ bỏ món lợi lớn là học bổng đâu.

Tuy nhiên, cuộc sống của Abel, mà hồi bé gọi là Wladek, lại không được thuận lợi như Kane. Suýt chết trong giá lạnh, Wladek được một nhà nhặt củi nghèo rớt. Chú sống sót bằng tình thương của mẹ nuôi và chị cả, sự thờ ơ của người cha và các em. Cũng không thể trách họ không yêu thương Wladek được, khác máu thì tanh lòng, mà gia đình họ quá nghèo để nuôi thêm một miệng ăn.

Đối với Wladek, chỉ có thể miêu tả bằng một câu: Sống được là tốt rồi.

Tuy không vượt trội như Kane, nhưng thành tích của Wladek cũng khiến cho bất cứ ai ở địa vị em cảm thấy tự hào. Bé nhất lớp, nhưng lại đứng đầu lớp. Và chính điều này đã cho Wladek cơ hội đổi đời: được chuyển đến nhà Nam tước Abel Koskiewicz, nơi mà chú có một người bạn thân thiết đầu tiên trong đời, sống trong môi trường tốt hơn, và việc học hành thuận lợi cho phát triển tài năng của chú hơn.

Wladek có lẽ là điển hình cho người Ba Lan. Mình vốn rất ấn tượng với người Ba Lan từ truyện “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, “Những tấm lòng cao cả”… và lại một lần nữa ấn tượng về người Ba Lan kiên trung bất khuất, kể cả trong những giây phút khó khăn nhất vẫn không hề quên “Ba Lan vẫn còn…”

Tuổi thơ của Wladek là một chuỗi khó khăn này sang khó khăn khác, biết được bố đẻ khi ông ấy đã chết, được thừa kế gia sản khổng lồ của Nam tước nhưng lại không được hưởng chút nào. Thứ cuối cùng mà chú được hưởng chỉ là chiếc vòng bạc gia truyền của nhà Koskiewicz. Đất nước Ba Lan gặp chiến tranh, chú bị tù đày nhiều năm, trốn mãi, trốn mãi, cuối cùng mới bước chân lên được đất Mỹ.

Hai nhân vật chính của chúng ta, từ hai thế giới, đã ở gần nhau hơn.

Sau này, dường như thành công của Kane hơi chậm lại, bắt đầu từ việc mất chức chủ tịch ngân hàng, và mất đi người bạn thân nhất. Trong khi Wladek lại lên như diều gặp gió, bất chấp việc khách sạn anh đang làm việc bị cháy và ông chủ nhảy từ tầng 17 xuống. Với tài năng sẵn có Wladek, mà bây giờ chúng ta phải gọi là Abel, tìm kiếm được rất nhiều cơ hội việc làm. Có thể là hơi phũ phàng, nhưng cái chết có thể là sự kết thúc với người này, nhưng lại mở ra cơ hội cho người kia. Vô tình, khoảng cách của hai người trở nên gần nhau hơn bao giờ hết, và họ đã có một cuộc gặp mặt đầu tiên, cuộc đối đầu trực diện đầu tiên giữa hai người.

Cả Kane và Abel, cả hai người, đều có một may mắn, hết sức may mắn là có những người bạn tốt thật sự: Matthew và George. Lúc đầu, quả thật mình cũng không tin vào những tình bạn này lắm. Mình cũng không rõ là tình bạn giữa thương trường, giữa cuộc sống đầy khó khăn, khi mà người ta yêu thương nhất có khi lại phản bội ta có tồn tại được hay không?

Matthew và Kane: Hai người bạn ngang tài ngang sức, một người có bố là chủ ngân hàng Lester, bố người kia lại là chủ ngân hàng Kane and Cabot. Ngang tài ngang sức, thân thiết, vô tư, không vụ lợi. Khi Kane bước đầu khởi nghiệp, Matthew không quản khó khăn mà giúp đỡ bạn, thậm chí, còn lo cho cái ghế chủ tịch hơn là Kane. Và Kane, khi biết tin Matthew bị bệnh hiểm nghèo, sẵn sàng bỏ hết mọi công việc, dù lúc đó sự nghiệp của anh đang trên đà khó khăn mà ở bên bạn đến phút cuối đời. Sống trong môi trường cạnh tranh như thế mà có một người bạn như Kane có Matthew, và Matthew có Kane thì còn gì bằng,

Abel và George: gặp nhau trên một chuyến tàu sang Mỹ, cùng chung ước mơ Mỹ. Cặp bạn thân này cũng chính là minh chứng cho một chân lý: Cùng chung xuất phát nhưng chưa chắc đã thành công giống nhau, chỉ có ý chí mới quyết định bạn là ai. Lúc mới bắt đầu, cả hai đều là những kẻ thất nghiệp. Một thời gian sau, Abel trở thành chủ khách sạn, và George vẫn chỉ là anh thợ học việc ở tiệm bánh với lương quèn 8 đô la một tháng. Cũng may Abel vẫn là người có tình có nghĩa, đã vực dậy bạn mình lên, cùng kinh doanh với mình. Tình bạn Lưu Bình Dương Lễ thật đáng trân trọng.

Cái việc mà Kane mất chức cũng là một cú sốc lớn cho anh. Người mà anh nghĩ sẽ ủng hộ anh lại ủng hộ đối phương. Sau đó, người ghét anh vô cùng, lại là người giúp anh leo lên cái ghế chủ tịch ngân hàng Lester. Lý do là gì thì chưa biết, nhưng bài học đắt giá nhận được chính là: chưa chắc người mình tin tưởng đã đáng để mình tin tưởng. Đồng thời, kẻ thù của kẻ thù chính là bạn. Chỉ có hai thứ mới khiến cho một cuộc hợp tác trở nên chặt chẽ: đó là cùng chung mục tiêu và cùng chung lợi ích.

Quá nhiều bài học về cuộc đời của hai con người: Đó là bài học về sự khổ luyện, bài học về sự chăm chỉ. Không phải bạn giàu thì bạn không cần học nữa, mà cũng không phải bạn nghèo rồi thì bạn không thể vươn lên. Chỉ có ý chí mới quyết định bạn là ai: tổng thống hay nông dân? Học ở khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ, vì bây giờ có thể bạn chưa cần, nhưng sau này biết đâu bạn lại cần đến. Sự học không bao giờ là thừa cả.

Mạch truyện tựa như những dòng hồi ức, không cầu kỳ mà rất đỗi tự nhiên. Cuốn sách Hai số phận giúp cho chúng ta hiểu thêm về con người, về các mối quan hệ, về bản chất, nhân cách sống trong xã hội hiện đại để có cái nhìn mới, sống tốt hơn, nhân bản hơn.
Cảm nhận của tôi: Một câu chuyện hay, tuy kết thúc có hậu nhưng mình vẫn cảm thấy tiếc nuối. Một câu chuyện đẹp, dạy cho mình về tài chính, về cách đối nhân xử thế, cách ra quyết định, và cả về lịch sử. Một câu chuyện đáng đọc.
Về phần nội dung: Trên cả tuyệt vời cho thấy tác giả không những có tài kể chuyện mà còn rất am hiểu về các lĩnh vực khác như khách sạn, ngân hàng, thị trường chứng khoán, cả các dân tộc khác nhau. Phần dịch cũng khá tuyệt vời. Mình tiếc là không đọc nó sớm hơn.
Về hình thức: Bìa sách khá đẹp, bìa cứng chắc chắn. Phần ruột sách giấy khá tệ, có nhiều đoạn in hơi mờ, lỗi chính tả, cách giữa các chữ các đoạn. Còn sử dụng chỉ đen để khâu phần gáy sách.
Tags: hai số phận review, hai số phận jeffrey archer, hai số phận – kane and abel.

Về biên tập viên

Tuấn Ca

Công việc của tôi không liên quan tới việc kinh doanh nhưng tôi có niềm đam mê bất tận với viết lách và thích đọc những tựa sách hay. Tôi tạo ra Blog này trước tiên để lưu trữ những vấn đề hữu ích dành cho tôi, sau đó là để chia sẻ, học hỏi với bạn bè những người mà tôi biết.

2 Comments

Để lại bình luận của bạn